HÃY DỪNG NGAY VIỆC THƯỜNG XUYÊN “BỐC HỎA KHI DẠY CON

Nhiều cha mẹ thừa nhận, thường xuyên “bốc hoả” khi kèm con học bài. Vậy “cữ” nào cho cảm xúc mà các bậc phụ huynh cần xác định để không lấy đòn roi minh hoạ cho sự yêu thương. 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: INT).

Đòn roi là hạ sách

Nhạc sĩ Lê Xuân Đức (FB: Bố Con Sâu), chuyên làm nội dung cho trẻ em chia sẻ rằng: Trong quá trình dạy con học, nóng giận là điều khó tránh khỏi. Bản thân anh cũng có lúc như thế, nhất là khi con mới 6 tuổi mà đã phải học online ngay những buổi đầu tiên của bậc tiểu học.

“Phương pháp của tôi là khi nóng giận, nên cho cả bố mẹ và con một khoảng nghỉ vài phút. Vì bố mẹ nóng mà mắng con thì con cũng sẽ áp lực, sợ hãi, không tập trung suy nghĩ được. Sau khoảng nghỉ, cả bố mẹ và con cùng bình tĩnh trở lại thì mới tiếp tục phần công việc vừa gián đoạn.

Cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con để nắm bắt tâm lý và xử lý cho đúng “cữ” chứ không nên áp đặt quá cho con bằng kỳ vọng của mình. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng vũ lực. Vì nếu bị bố mẹ đánh thì con sẽ sợ hãi và ám ảnh. Thứ nhất là sợ việc học. Thứ 2 là sợ bố mẹ khi học. Điều này chỉ có hại cho cả 2 bên”, nhạc sĩ Lê Xuân Đức nói.

Việc đánh con chỉ thể hiện bố mẹ kém cỏi và yếu đuối.

Đáng ngại nhất là những phụ huynh không chịu tìm hiểu tâm lý trẻ nhỏ, khi dạy con lại luôn vin vào quan niệm “yêu cho roi cho vọt”. Ngày nay, khi điều kiện tiếp cận thông tin, văn hoá cởi mở hơn, roi vọt không những không có tác dụng giáo dục mà ngược lại. Cha mẹ nên để con tự nhận thức được việc cần làm và hiểu tại sao phải làm như vậy. Sử dụng vũ lực với đứa trẻ không có sức phản kháng, không có khả năng phản biện chỉ thể hiện bố mẹ thiếu hiểu biết và ích kỷ mà thôi.

Kể về quá trình dạy con những ngày đầu lớp 1, nhạc sĩ Lê Xuân Đức cho biết: Lúc mới học chữ cái, bé Sâu thường bị nhầm “ư” với “ơ”. Bố mẹ thay nhau hướng dẫn hàng chục lần nhưng cu cậu vẫn không nhớ. Dấu “sắc” và dấu “huyền” mà dạy mãi con cũng không thể phân biệt được.

Xác định, bực tức, ức chế với con không mang lại điều gì tốt đẹp hơn nên anh nghĩ ra cách, biến những thứ con hay nhầm thành trò chơi hay các hoạt động khác ngoài giờ học.

Ví dụ các chữ cái “ư” với “ơ” được dán lên cửa tủ lạnh. Mỗi khi đi qua anh lại tranh thủ chỉ vào để con phân biệt. Sau vài ngày, con nhớ được luôn, với sự phấn khởi hiển hiện rõ trên nét mặt.

Dấu “huyền” dấu “sắc” thì anh phiên sang hoạt động. Dấu nào giống tay trái giơ lên thì là dấu huyền, dấu giống tay phải giơ lên thì là dấu sắc. Đến khi con học đánh vần, nếu không nhớ thì sẽ giơ tay lên kiểm tra xem tay nào. Dần dần, cháu cũng vượt qua được tất cả những lấn cấn và bắt nhịp với việc học một cách có ý thức hơn.

Nhạc sĩ Lê Xuân Đức cho rằng khi được tạo tâm lý thoải mái, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn rất nhiều. Bố mẹ hỗ trợ con học cũng nên linh hoạt đưa nội dung bài học ra ngoài khuôn khổ giờ học, gắn với thực tiễn, biến nó thành các hoạt động hoặc trò chơi để giảm áp lực học tập cho con.

Khi bố mẹ hiểu tâm lý trẻ sẽ hiểu việc mình nóng giận là vô lý. Khi biết nó vô lý thì sẽ phải thay đổi cho phù hợp.

Phụ huynh đừng bao giờ đổ lỗi cho con làm mình nóng giận mà nên nhận thức rằng, khi nóng giận là lỗi của chúng ta không kiểm soát được cảm xúc và chưa hiểu con.

https://images.giaoducthoidai.vn/public/ngandk/2021-10-04/ph-kiem-soat-cam-xuc-2.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: INT).

 

Hãy hỗ trợ con - đừng sống thay con

Bàn về phương pháp kiềm chế những cơn nóng giận thường đến trong lúc dạy con, theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh school psychology): Trước tiên, cần nêu một vài lí giải vì sao cha mẹ dễ nổi giận khi dạy con.

Cha mẹ là người thương yêu con nhất nên họ lo lắng và cũng kì vọng vào con mình. Cha mẹ cũng có tính sở hữu đối với con mình. Càng yêu thương bao nhiêu thì họ càng lo lắng, kì vọng bấy nhiêu. Càng lo lắng, càng kì vọng thì họ càng dễ rơi vào tâm thế sống thay cho con, sợ con bị phê bình, bị nhắc nhở, không theo kịp bạn bè… vì thế họ dễ nổi nóng. Và thường họ không để ý sự nổi nóng đó đến từ đâu.

Theo chuyên gia Mạnh Linh: Để đề phòng sớm những cơn “thịnh nộ” trong quá trình dạy con học, trước hết, cha mẹ cần phải thấm nhuần tư tưởng: Học là việc của con, cha mẹ là người hỗ trợ chứ không phải là người học thay hay sống thay con.

Tư tưởng này càng thấm nhuần bao nhiêu, khi nóng giận nó càng phát huy tác dụng bấy nhiêu. Điều này có giá trị như tiếng chuông trong đầu, giúp cha mẹ luôn nhớ nhiệm vụ của mình là “giúp đỡ” chứ không phải “sống thay con”. Cha mẹ nên hiểu rõ và làm đúng nhiệm vụ thì mọi việc sẽ êm thấm.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Lê Xuân Đức, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho rằng: Phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi của con để ứng biến cho phù hợp với các tình huống phát sinh trong quá trình cùng làm việc với trẻ.

Tốt nhất, hãy giữ khoảng cách với con, làm việc của mình nhưng để mắt tới con, chỉ hỗ trợ khi con có tín hiệu nhờ giúp. Trong quá trình đó, cha mẹ cũng đừng quên quan sát bản thân mọi lúc. Nếu phát hiện mình bắt đầu nói to, nóng mặt, tay run… (biểu hiện của sự tức giận), hãy uống nước, xa con ra một chút, đến khi bình tĩnh hơn thì mới quay lại trợ giúp con”.

“Muốn để con tốt lên nhưng rõ ràng nóng giận sẽ không đạt được mục đích. Người lớn không chịu thay đổi để tốt lên thì đừng nên đòi hỏi trẻ con phải thay đổi để ngoan lên hay học giỏi lên.

 

Bố mẹ phải thay đổi trước, rồi tự nhiên con cái sẽ thay đổi theo. Hãy dừng ngay việc thường xuyên “bốc hoả” trong lúc dạy con, nếu bạn không muốn nhận lại thái độ như vậy từ chính con mình trong tương lai không xa. Vậy nên, chừng nào bố mẹ chưa thay đổi thì đừng mong con cái thay đổi” - nhạc sĩ Lê Xuân Đức nhấn mạnh.

 

Nguồn: Văn phòng tổng hợp từ Báo GD&TĐ-Gia Đình

Lượt xem: 16.414
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 38
Hôm qua : 23
Tháng 04 : 308
Năm 2024 : 3.004